Hè sắp đến, và mùa tuyển sinh cũng sắp đến. Đứng trên bục giảng này, nhìn học sinh của mình cắm cúi giải bài tập, đưa mắt ra sân trường nắng mênh mông, lòng tôi nao nao nhớ lạichính mình cũng vào thời điểm tôi chọn trường để thi đại học. Năm 2009 là một năm vô cùng đặc biệt đối với tôi. Vì tình yêu Vật lý chớm nhen nhóm, vì muốn trở thành một giáo viên, tôi đã không do dự điền Khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm - ĐHĐN vào nguyện vọng 1 của mình, mặc cho mọi người can ngăn, không ủng hộ với rất nhiều lí lẽ: học ngành này sau ni khó xin việc lắm, khoa này không nổi tiếng bằng Sài Gòn… Nhưng tôi vẫn tự tin về sự lựa chọn của mình. Tháng 9/2009, tôi trở thành sinh viên ngành Sư phạm Vật lý.
Bước vào giảng đường với bao nhiêu là bỡ ngỡ, cách học tập mới mẻ, khác hẳn cấp 3. Bài giảng trên lớp, bài tập, bài soạn ở nhà, việc tự học được đề cao, những môn học khó nhằn, ôi sao vừa khô khan vừa khó! Tôi bị choáng ngợp, rối tinh rối mù, cảm giác bơi trong một mớ hỗn độn. Đã nhiều lần, tôi tự buông xuôi bản thân, cảm giác không biết phải làm sao, rồi lại nhớ tới những lời can ngăn lúc trước, tôi nản lòng, tôi ân hận. Nhưng chính các thầy cô đã vực dậy trong tôi niềm tin, niềm mong mỏi cố gắng. Nhìn các thầy cô đứng trên bục giảng với phong thái tự tin, sôi nổi, luôn dẫn dắt lớp học để chỉ cho chúng tôi cách học, cách tự học, luôn hỏi chúng tôi có cần hỗ trợ gì không, thật ân cần! Tôi bừng tỉnh! Tôi tự hỏi lại lí do vì sao mình lựa chọn, chẳng phải vì tôi muốn được giống như các thầy cô sao? Từ đó, tôi tập trung và kiên định hơn. Nhờ vậy, tôi đã bắt kịp nhịp độ học tập và tiến bộ. Tôi vô cùng thích thú được biết rằng vật lý không chỉ là các bài tập trên giấy. Những kiến thức trước nay hiển nhiên và thường gặp lại được thực hành một cách trực quan và thú vị. Những giờ được mặc áo blouse trong phòng thí nghiệm, được loay hoay với đủ dụng cụ đo đạc từ cơ bản tới máy móc hiện đại là những giờ học khơi gợi cảm hứng cho tôi nhất, làm tôi cảm thấy Vật lý thật là kì diệu!
Năm 3 là năm dấu ấn trong cuộc đời sinh viên của tôi. Tôi tham gia hội thi: sinh viên nghiên cứu khoa học. Đây là một trải nghiệm thực sự rất ấn tượng! Lên sườn đề cương, tìm kiếm thông tin, đọc báo khoa học, làm mẫu vật, đo đạc, xử lí số liệu, viết báo cáo, viết báo… Ôi cả trăm thứ mà trước đây tôi chưa bao giờ biết. Tôi vô cùng biết ơn sự nhẫn nại và tận tình của thầy hướng dẫn, đã giúp tôi chập chững bước vào một lĩnh vực thực sự chuyên sâu và ngập tràn màu sắc khoa học. Một đứa trò nhỏ bỗng cảm thấy mình làm những việc tầm cỡ biết bao, lúc đó trong tôi bùng cháy một khát khao về con đường nghiên cứu, khơi gợi trong tôi về khoa học chân chính, cảm hứng học tập và niềm say mê dâng tràn. Đó là những cảm xúc đầu tiên và đẹp đẽ vô cùng về con đường học thuật. Các bạn của tôi cũng vậy, miệt mài với những nỗ lực non nớt mà say mê. Chính những cảm giác này đã đi theo tôi đến tận bây giờ, truyền cảm hứng cho tôi trong công việc, và tôi biết nó còn kéo dài rất lâu nữa, để nâng bước tôi trong sự nghiệp của mình.
Học miệt mài, nhưng không phải chúng tôi khô khan đâu nhé! Từ một cậu bé chập chững ra trọ xa nhà, lúc đầu lơ ngơ lóng ngóng, tôi trở thành hàng xóm của những anh chị và bạn bè cùng trọ, cuộc đời sinh viên của tôi trôi qua bình dị mà rực rỡ. Tôi biết chăm sóc bản thân, biết quan tâm tới mọi người, biết chín chắn trưởng thành hơn. Tại trường tại lớp, Đoàn, Hội, Câu lạc bộ là nơi chúng tôi gặp gỡ sau giờ học, cùng nhau vui chơi và phát triển kĩ năng mềm, cùng nhau kết bạn và sống những phút những giờ ngập tràn âm thanh và màu sắc. Tôi dạn dĩ hơn, hoạt bát hơn, và biết trao đi giá trị nhiều hơn để đóng góp và trưởng thành. Sẽ mãi nhớ những kỉ niệm đẹp thân thương ấy!
Năm cuối đầy thử thách cũng đã tới. Chúng tôi trở thành những thực tập sinh, gói ghém hành trang để đến những ngôi trường phổ thông, đem những điều mình đã được học vào thực tế. Tự tay viết một giáo án hoàn chỉnh, tự đứng trên bục giảng để dạy, tự tổ chức ngoại khóa cho lớp, biết bao nhiêu là việc! Ban đầu ai cũng run cầm cập, vô cùng bỡ ngỡ và lóng ngóng. Rồi được các thầy cô chỉ dẫn, động viên, dần dần cũng quen và thích nghi. Kết thúc đợt thực tập, chúng tôi thu hoạch biết bao điều: chuyên môn tốt hơn, dạn dĩ hơn, kĩ năng tốt hơn, và quan trọng hơn hết là tình cảm của học trò, trường lớp, chính là động lực thắp lên trong tim mỗi người tình yêu nghề, yêu con đường mình đã lựa chọn! Gần đây tôi được biết chương trình học của Khoa Vật lý đã thay đổi. Không phải chờ đợi đến năm cuối mới đi thực tập mà có nguyên 1 năm thực hành vệ tinh vào năm thứ ba. Đây là điều hết sức đáng mừng vì các bạn sẽ được trải nghiệm sớm, thời gian đủ lâu, đủ mọi công việc trong nhà trường. Học đi đôi với hành ngay lập tức sẽ đem lại hiệu quả vô cùng tốt. Chắc chắn các bạn sẽ sớm trưởng thành và tự tin trong nghề nghiệp, khi đi làm sẽ không hề bị bỡ ngỡ ban đầu.
Hiện nay, đầu ra của ngành sư phạm đang là vấn đề đau đầu của tất cả mọi người. Các sinh viên chọn ngành sư phạm bắt nguồn từ ước mơ theo đuổi nghề này không nhiều, mà hầu hết chọn sư phạm như một điểm gửi dừng chân, rồi muốn đi ngành khác vào năm sau. Chính suy nghĩ này dẫn đến một vòng luẩn quẩn: băn khoăn đầu ra mà bỏ bê đầu vào, bỏ bê quá trình học tập, đầu ra bị ảnh hưởng bởi số lượng người bỏ dở giữa chừng và chất lượng tốt nghiệp. Vô hình chung, ngành sư phạm bị mang tiếng xấu, bị đánh giá thấp. Nhưng theo kinh nghiệm từ bản thân, tôi thấy nên đặt một cái nhìn đúng đắn ngay từ đầu khi lựa chọn ngành học này. Đã lựa chọn thì nên nghiêm túc theo đuổi, sự kiên trì và nỗ lực nào cũng được đền đáp xứng đáng. Xã hội bây giờ đã thay đổi, không chỉ gói gọn sư phạm là phải trong khuôn viên trường công, phải là giáo viên biên chế. Các cơ sở giáo dục hiện nay rất đa dạng, nơi nào có học trò, thì ở đó chúng ta là thầy cô giáo. Hãy học tập, nâng tầm bản thân mình bằng tri thức và tư duy, xã hội sẽ công nhận mình. Tôi đã trải nghiệm và tin tưởng nhất định như thế! Và tôi biết ơn vô cùng những lời động viên năm xưa đã làm tôi tỉnh ngộ và không bỏ cuộc, mới có kết quả tôi của ngày hôm nay! Được biết, vào cuối năm 2018, chương trình Sư phạm Vật lý của Đại học Sư phạm Đà Nẵng sẽ là chương trình đầu tiên trong các trường sư phạm toàn quốc được đánh giá chương trình theo chất lượng quốc tế (kiểm định chất lượng của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á (AUN – QA)). Sinh viên được đào tạo theo chuẩn quốc tế có thể du học tại các trường đại học nước ngoài trong quá trình học tập đại học hoặc sau khi tốt nghiệp. Tôi vô cùng phấn khích với tin tức này! Các bạn hoàn toàn có thể trở thành một giáo viên không chỉ ở Việt Nam, mà ở bất cứ nước nào mình muốn! Như một bộ phim rất dễ thương của Ấn Độ đã nói: hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi bạn.
Sự ưu tú trong nghề giáo không chỉ là kiến thức, mà theo tôi, hơn hết là phong cách sư phạm. Giáo dục trong thời đại mới không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là kĩ năng dẫn dắt, tổ chức lớp học, kĩ năng gợi mở niềm mong muốn học hỏi trong mỗi học sinh, giúp học sinh thành công trong việc tự học. Tôi thầm thấy mình vô cùng may mắn vì đã được học cùng các thầy cô trong khoa Vật lý, đội ngũ có cả các thầy giáo lớn tuổi nhiều kinh nghiệm lẫn các thầy cô trẻ trung, năng động. Chính các thầy cô là tấm gương mà chúng tôi muốn trở thành. Cảm ơn các thầy cô đã luôn nhiệt tình chỉ dạy!
Đã rất nhiều lần tôi nhận được câu hỏi: đi dạy có tốt không? Có ân hận khi chọn nghề này không? Câu trả lời của tôi là có và không! Nghề nghiệp nào cũng có những muộn phiền mệt nhọc, nhưng với tôi, niềm vui nhận về càng lớn hơn nhiều lần. Khi đến trường mỗi ngày, nhìn học trò của mình vui vẻ tiến bộ, tâm hồn mình luôn được tươi trẻ. Ra đường gặp trò cũ có thể mình đã quên tên, quên luôn cả khuôn mặt trong ngàn khuôn mặt đã qua, nhưng nghe hai tiếng “Thưa thầy!” giản dị mà ấm lòng biết bao nhiêu. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn theo đuổi nghề này. Giảng đường đã cho tôi hành trang và niềm tin để bắt đầu nghề nghiệp, mái trường đã cho tôi ngôi nhà thứ hai trong cuộc đời, sẽ mãi mãi là niềm mong nhớ và biết ơn của tôi trong hành trình đi về tương lai!
(Phan Thế Hiếu, sinh viên lớp 09SVL ngành Sư phạm Vật lý, Khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, niên khóa 2009-2013.
Hiện tại là Giáo viên Vật lý tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng.)