Trường Đại học Sư phạm - ĐHĐN mở ngành tiến sĩ lý luận và PPDH bộ môn vật lí – bước tiến vị thế tiên phong trong đào tạo tinh hoa khu vực miền trung và các tỉnh phía nam
Thứ ba - 19/05/2020 19:36
Giáo dục ở nước ta (đặc biệt là giáo dục phổ thông) đang trong giai đoạn đổi mới chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Bên cạnh đó, quốc tế hóa, công nghệ hóa trong giáo dục đang là xu hướng trong phát triển giáo dục
Giáo dục ở nước ta (đặc biệt là giáo dục phổ thông) đang trong giai đoạn đổi mới chuyển từ dạy học tiếp cận nội dung sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Bên cạnh đó, quốc tế hóa, công nghệ hóa trong giáo dục đang là xu hướng trong phát triển giáo dục. Thực tiễn đó đòi hỏi cần một có một đội ngũ chuyên gia trong từng lĩnh vực nói chung (giáo dục Vật lí nói riêng) thực hiện các nghiên cứu lý luận, nghiên cứu triển khai thực tiễn để thực hiện thành công các mục tiêu trên. Nắm bắt được yêu cầu đó, ngày 20/02/2020, Đại học Đà Nẵng đã thông qua đề án đào tạo trình độ Tiến sĩ ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn (Vật lí) với mã ngành (9140111) của Trường Đại học Sư phạm. Ngành này sẽ chính thức tuyển sinh từ năm 2020 với chỉ tiêu từ 2 đến 3 nghiên cứu sinh/năm. Tính trong cả nước, đây là đơn vị thứ 5 đủ điều kiện và được phép mở ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn (Vật lí) trình độ tiến sĩ. Về đội ngũ cán bộ cơ hữu, khoa Vật lí hiện có 02 PGS.TS và 10 TS, (trong đó có 01 PGS và 02 TS ngành đúng, 01 PGS và 08 TS ngành gần). Ngoài ra, có 09 GS, PGS, TS ngành Lý luận và PPDH Bộ môn Vật lí ở các trường đại học Sư phạm trọng điểm trong cả nước tham gia thỉnh giảng và hướng dẫn nghiên cứu. Mục tiêu của chương trình là đào tạo đội ngũ tiến sĩ ngành Lý luận và phương pháp dạy học Bộ môn Vật lí có năng lực và phẩm chất của một chuyên gia, có khả năng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề về lý luận và thực tiễn giáo dục môn Vật lí, đảm nhiệm công việc nghiên cứu, giảng dạy ở các bậc học, quản lí chuyên môn thuộc lĩnh vực giáo dục Vật lí. Cơ sở vật chất được Trường và Khoa chú trọng đầu tư và xây dựng, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho nghiên cứu sinh trong việc học tập và thực hiện nghiên cứu (hệ thống 8 Phòng thí nghiệm chuyên môn được trang bị hiện đại; thư viện Trường với hàng trăm đầu sách chuyên ngành thường xuyên được bổ sung, cập nhật; thư viện số với hàng ngàn đầu sách và tài liệu tham khảo có bản quyền được kết nối với hệ thống thư viện quốc gia, các trường đại học, Viện nghiên cứu về giáo dục trong và ngoài nước; hệ thống mạng wifi phục vụ miễn phí trong không gian Trường, …). NCS sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận các công việc như: Giảng dạy và nghiên cứu tại các trường ĐH và CĐ trong và ngoài nước; tham gia nghiên cứu và chủ trì các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học các cấp thuộc lĩnh vực giáo dục Vật lí; Quản lý chuyên môn tại các Sở, ban, ngành để đưa ra các chiến lược, chính sách về giáo dục vật lí phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn giáo dục của địa phương, đất nước; Trưởng bộ môn Vật lí ở các trường THPT hoặc trưởng bộ môn KHTN ở trường THCS với vai trò là các giáo viên cốt cán. Lãnh đạo Khoa Vật lí, Trường ĐHSP – ĐH Đà Nẵng cam kết chương trình đào tạo sẽ được điều chỉnh, cập nhật định kì để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của giáo dục trong nước và quốc tế trong việc đào tạo đội ngũ tinh hoa trong lĩnh vực giáo dục Vật lí. Bên cạnh đó, Khoa cũng sẽ tổ chức cho NCS tham gia các seminar học thuật, các buổi giao lưu trực tuyến với các giáo sư, các NCS ở các đơn vị đào tạo khác trong và ngoài nước; hỗ trợ NCS tham gia các Hội nghị, Hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; tạo các sân chơi giải trí bổ ích cho các NCS, học viên cao học và sinh viên. Với sự chuẩn bị chu đáo của Khoa Vật lí và các phòng chức năng, cùng lợi thế là ngành đào tạo hệ sư phạm đầu tiên và duy nhất trong cả nước được đánh giá chất lượng đạt tiêu chuẩn AUN-QA, Khoa Vật lí sẽ là địa chỉ tin cậy trong đào tạo đội ngũ tinh hoa lĩnh vực khoa học giáo dục của khu vực Miền Trung và các tỉnh phía Nam. Một số hình ảnh về cuộc họp của Hội đồng thẩm định